- Quản trị
- Tháng Chín 23, 2021
- 4:49 chiều
(Thanhuytphcm.vn)- Ngày 2/9/1945, khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa tại Quảng trường Ba Đình – Hà Nội, cùng với các tỉnh thành khác trong cả nước, Xứ ủy và Lâm ủy Hành chánh Nam Bộ cũng tổ chức “Lễ Độc lập” tại Sài Gòn. Nhưng do trục trặc về kỹ thuật, đồng bào Nam Bộ đã không được nghe trực tiếp bản Tuyên ngôn độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Thay vào đó, đồng chí Trần Văn Giàu, đại diện cho Xứ ủy đã ứng khẩu một bài diễn văn, chính trong buổi lễ đó, đã vang lên lời thề sắt son của đồng bào Nam bộ: “Độc lập hay là chết”.
Trong giờ phút thiêng liêng ấy, điều mà mọi người quan tâm không chỉ là niềm vui chiến thắng, niềm kiêu hãnh là công dân của một nước có tự do, độc lập, mà cần phải tỉnh táo, khôn ngoan và cương quyết đối phó với âm mưu xảo quyệt của kẻ thù, một khi chúng chưa chịu rút toàn bộ tàn quân khỏi nước ta, bởi “Pháp quyết lấy lại Đông Dương vì đó là vấn đề tối cần thiết cho Pháp”.
Tại Sài Gòn – Chợ Lớn, hơn một triệu người hân hoan tham gia mít tinh, biểu tình mừng “Lễ Độc lập” với rừng cờ đỏ sao vàng chói lọi khắp nơi, lợi dụng tình hình này, thực dân Pháp dưới sự che chở của phái bộ Anh đã có những hành động khiêu khích, bắn vào phía quần chúng nhân dân đang chào mừng ngày lễ độc lập, làm nhiều người chết và bị thương. Đồng bào hết sức căm phẫn nhưng vẫn giữ được sự bình tĩnh, ai có nhiệm vụ biểu tình cứ tiếp tục, phận sự trấn áp địch đã có các chiến sĩ vũ trang và bán vũ trang, bọn khiêu khích bị đè bẹp nhanh chóng, ta bắt giam nhiều tên, nhưng sau đó, để giữ hòa khí với Pháp và Anh, ta đã thả hết bọn bị bắt ngay trong đêm cùng ngày.
Tuy nhiên, không chỉ dừng lại ở đó, quân Anh và Pháp lục tục vào Sài Gòn ngày càng đông, được quân Anh “bật đèn xanh”, bọn phản động Pháp vừa khiêu khích, kích động, vừa gây rối, để tạo điều kiện cho phái bộ Anh vu cáo chính quyền cách mạng không giữ được trật tự, trị an, đồng thời ra lệnh cho lính Nhật tước vũ khí và đòi chính quyền cách mạng phải giải tán các đơn vị tự vệ, đòi quân cách mạng phải rút hết ra khỏi Thành phố, trao lại các bốt cảnh sát, rời khỏi trụ sở Ủy ban nhân dân Nam Bộ để trao lại cho quân Pháp…
Ngay sau vụ khiêu khích của thực dân Pháp, Xứ ủy và Ủy ban lâm thời Nam Bộ đã nhận định: Âm mưu tái xâm lược nước ta của thực dân Pháp đã rõ ràng. Không thể để “đầu rơi, máu chảy”, và cũng không để bất kỳ một thế lực nào có thể ngăn cản được sức mạnh và khát vọng giữ vững “Lời thề Độc lập”, mọi biện pháp đối phó trước mắt, chuẩn bị kháng chiến đều đã được gấp rút triển khai.
Sáng ngày 3/9/1945, Ủy ban Hành chánh Nam Bộ ra thông cáo vạch tội bọn thực dân Pháp gây ra vụ khiêu khích hôm trước, biểu dương thái độ của chính quyền và nhân dân “đã đối phó rất kiên quyết và anh dũng”, đồng thời cũng tỏ ra khoan hồng, “chứng tỏ cho Đồng minh ý chí hòa bình của chúng ta” và kêu gọi “đồng bào hãy giữ trật tự, yên tĩnh…”[1].
Ngay trong đêm ngày 4/9, công nhân Thành phố đã kéo đến Tổng Công đoàn Nam Bộ ở số 171, đường Kitchner (nay là đường Nguyễn Thái Học, Quận 1) biểu dương lực lượng và tuyên thệ: “Là chiến sĩ Xung phong Công đoàn, xin thề trước bàn thờ Tổ quốc: Quyết cùng anh em lao động không nản chí trước khó khăn, không lùi bước trước nguy hiểm để cùng đồng bào bảo vệ Tổ quốc, giữ gìn non sông”.
Để tỏ rõ thiện chí hòa bình đồng thời tranh thủ thời gian chuẩn bị sẵn sàng chiến đấu, Ủy ban Nhân dân Nam Bộ đã có thái độ tự kiềm chế và có những hành động nhân nhượng đối với Phái bộ Đồng minh Anh trên nguyên tắc giữ vững chủ quyền độc lập của Việt Nam. Nhưng thực dân Pháp vốn luôn mang dã tâm trở lại Việt Nam, cướp nước ta một lần nữa, nên sẽ không có chuyện dễ dàng hòa hoãn, chúng ngày càng có thêm những hành động khiêu khích và không giấu giếm ý đồ sẽ bạo loạn tại Thành phố.
0h ngày 23/9/1945, Pháp chính thức nổ súng tấn công Sài Gòn, bắt đầu cuộc tái chiếm khi người dân Thành phố vừa hưởng không khí độc lập 21 ngày. Quân Pháp đã tràn vào đánh chiếm trụ sở của Ủy ban Nhân dân Nam Bộ, sau đó là đánh vào trụ sở Quốc gia tự vệ cuộc, đài phát thanh, bưu điện, các bốt cảnh sát ở Trung tâm, nơi nào quân Pháp nổ súng đánh chiếm cũng đều bị quân ta nhất loạt đứng lên chống trả quyết liệt bằng vũ khí có sẵn trong tay, dù là vũ khí thô sơ. Ở trong Thành phố và vùng giáp ranh thì dựng chướng ngại vật, tổ chức vây hãm quân Pháp ngay trong trung tâm.
Ngay sáng 23/9/1945, một cuộc Hội nghị được triệu tập khẩn cấp tại số nhà 629 đường Cây Mai (nay là đường Nguyễn Trãi), tham gia Hội nghị có các đồng chí Ung Văn Khiêm, Trần Văn Giàu, Nguyễn Văn Nguyễn, Phạm Ngọc Thạch, Huỳnh Văn Tiểng… Đồng chí Hoàng Quốc Việt thay mặt Thường vụ Trung ương Đảng và Tổng bộ Việt Minh vừa đến Sài Gòn ngày 27/8, được mời tham dự.
Hội nghị đã phân tích, đánh giá tình hình, so sánh lực lượng giữa địch và ta. Hội nghị có hai ý kiến tranh luận khá gay gắt, một bên cho rằng Pháp đã nổ súng đánh chiếm các cơ quan quan trọng của ta, bộc lộ rõ âm mưu xâm lược trắng trợn của chúng, gây nên sự căm phẫn trong các tầng lớp nhân dân, cho nên không còn con đường nào khác ngoài con đường phải phát động lãnh đạo nhân dân kiên quyết đứng lên chiến đấu bảo vệ chính quyền cách mạng, bảo vệ nền độc lập dân tộc vừa mới giành được, ta phải ra lệnh kiên quyết đánh, cho dù quân Anh có hỗ trợ che chở.
Một bên cho rằng Pháp đã có âm mưu và hành động xâm lược, tuy nhiên chưa nên hạ lệnh kháng chiến mà hãy ra lệnh tổng bãi công, bãi thị, không hợp tác với địch, hãy điện ra Trung ương xin ý kiến, chờ lệnh của Trung ương. Ý kiến này dựa vào bức điện ngày 22/9 của Trung ương gửi cho đồng chí Hoàng Quốc Việt và Xứ ủy Nam Kỳ nhắc nhở phải hết sức tránh đụng chạm với quân đồng minh, tránh tạo cớ cho các kẻ thù hùa với nhau tiến công xóa bỏ chính quyền cách mạng.
Sau cùng, Hội nghị quyết định đồng thời với việc gửi điện báo gấp ra Trung ương và Hồ Chủ tịch xin chỉ thị, phát động nhân dân kháng chiến và trên thực tế nhân dân đã đứng lên sử dụng bạo lực để chống quân xâm lược.
Hội nghị quyết định thành lập Ủy ban Kháng chiến Nam Bộ do đồng chí Trần Văn Giàu làm Chủ tịch. Sau đó, Ủy ban Kháng chiến Nam Bộ chỉ đạo thành lập Ủy ban Kháng chiến Sài Gòn – Chợ Lớn do đồng chí Nguyễn Văn Tư làm Chủ tịch; Huỳnh Đình Hai và Từ Văn Ri làm Ủy viên.
Chủ tịch Ủy ban kháng chiến Nam Bộ – đồng chí Trần Văn Giàu sau đó đã phát đi lời kêu gọi: “Ngày 2 tháng 9 đồng bào đã thề quyết hy sinh đến giọt máu cuối cùng để bảo vệ độc lập của Tổ quốc: “Độc lập hay là chết”! Hôm nay, Ủy ban kháng chiến kêu gọi: Tất cả đồng bào, già trẻ, trai gái hãy cầm vũ khí xông lên đánh đuổi quân xâm lược.”. Những bản in Lời kêu gọi của Ủy ban kháng chiến Nam bộ ngay lập tức được phát đi khắp Sài Gòn. Lời kêu gọi ấy đáp ứng đúng tâm tư, nguyện vọng của quần chúng nhân dân nên nhanh chóng thu hút được đông đảo quân dân ta tham gia bảo vệ độc lập với tinh thần và khí thế mạnh mẽ nhất, tạo nên sức mạnh của toàn dân.
Theo lệnh của Ủy ban kháng chiến Nam Bộ, nhân dân Sài Gòn – Chợ Lớn – Gia Định lập tức tổng bãi công, bãi khóa, bãi thị, tản cư ra khỏi Thành phố, triệt phá các đường tiếp tế lương thực của địch. Khắp Thành phố, mọi sinh hoạt chợ búa, giao thông, trường học đều ngưng hoạt động. Công nhân nhà máy đồng loạt nghỉ việc. Nhà đèn bị phá. Mọi thứ vật dụng như tủ giường, bàn ghế, quẩy hàng, xe bò, xe kéo, xe thổ mộ, tủ kem… đều được quăng ra đường phố làm vật chướng ngại cản bước tiến của quân địch.
Ngày 23/9/1945, giặc Pháp đã vấp phải những trận chiến đấu anh dũng của quân dân ta ở dinh Đốc Lý (nay là trụ sở Ủy ban nhân dân Thành phố), đường Verdun, ga xe lửa, cầu Ông Lãnh, chợ Bến Thành, cầu Marc Mahon (nay là cầu Nguyễn Văn Trỗi). Tiêu biểu cho tinh thần quyết tử trong chiến đấu có tiểu đội bảo vệ cột cờ Thủ Ngữ. Sáng 23/9, một đại đội quân Anh đến định hạ lá cờ đỏ sao vàng xuống, kéo lá cờ tam tài lên, đã bị các chiến sĩ cảm tử của ta dùng hỏa lực cản lại. Một tiểu đội, mà không phải tất cả đều được trang bị súng, quyết chống chọi với đại đội quân Anh đến người cuối cùng vì danh dự lá cờ Tổ quốc. Viên chỉ huy người Anh dù là một võ quan thực dân không thể không khâm phục, đã cho đại đội sắp hàng bồng súng chào những người anh hùng của đối phương đã ngã xuống dưới chân cột cờ. Không ai trong tiểu đội bảo vệ cột cờ Thủ Ngữ để lại một di vật nào để từ đó có thể tìm ra tên tuổi, gia đình, nhưng các anh trở thành tập thể chiến sĩ vô danh bất tử. Đây là trận chiến đầu tiên bảo vệ lá cờ độc lập và từ đây bao máu xương đã đổ xuống để cho lá cờ Tổ quốc tung bay trên trời cao…
Xử ủy và Ủy ban kháng chiến Nam Bộ đồng thời chỉ đạo các đơn vị vũ trang kìm chân quân địch trong một thời gian, không cho chúng ra khỏi Thành phố, tạo điều kiện cho các cơ quan lãnh đạo Đảng, chính quyền, đoàn thể và quần chúng nhân dân sơ tán về nông thôn, bên trong Thành phố gần 350 đội tự vệ bám sát các vị trí chiến đấu. Bên ngoài thì các lực lượng vũ trang cách mạng xiết chặt vòng vây. Đảng bộ các tỉnh phụ cận có nhiệm vụ khẩn trương tổ chức lực lượng chi viện cho Mặt trận Sài Gòn – Chợ Lớn. Nhiều đoàn quân cách mạng từ các vùng nông thôn tiếp giáp về Sài Gòn. Những cây tầm vông vạt nhọn xuất hiện khắp các ngả đường, xóm làng, phố chợ. Đó là thứ vũ khí phổ biến của quân và dân Nam Bộ trong những ngày đầu kháng chiến. Ngọn tầm vông và chiếc nóp đã đi vào lịch sử như một biểu tượng về tinh thần quyết chiến của nhân dân Nam Bộ trước họa xâm lăng.
Tối 23/9, quân Pháp nhiều lần theo gót quân Anh định vượt cầu Bông, cầu Kiệu, cầu Thị Nghè ra khỏi Sài Gòn nhưng đều bị quân ta chặn lại, trong đêm 23/9 quân dân Khánh Hội đã tiến công diệt bót Thương Khẩu, bót số 6 trên đường Jean Eudel bắt tù binh, giải thoát được nhiều thanh niên bị Pháp giam ở đây. Đây là trận đánh lớn nhất của quân và dân Sài Gòn – Chợ Lớn trong ngày mở màn cho cuộc kháng chiến Nam Bộ. Với tấm lòng yêu nước, được cuộn nhập vào dòng thác cách mạng, đồng bào chiến sĩ Nam Bộ đã hy sinh thân mình, với niềm tin vững chắc vào Đảng, họ lao vào cuộc chiến đấu với một quyết tâm cao độ, với mốt ý chí sắt thép “Độc lập hay là chết”.
Cuộc chiến đấu của nhân dân Thành phố được Hồ Chủ tịch và Trung ương Đảng tán thành và kêu gọi cả nước hỗ trợ. Ngay sau khi nhận được điện báo cáo, Thường vụ Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhất trí với quyết tâm kháng chiến của Xứ ủy và Ủy ban nhân dân Nam Bộ.
Có thể nói, đây là cuộc nổi dậy mang tính nhân dân rộng rãi, sâu sắc trong lịch sử của đất nước ta ở vùng đất Nam bộ. Dù chỉ bằng vũ khí thô sơ, chủ yếu là tầm vông vạt nhọn, giáo mác, gậy gộc, những người con ưu tú của Nam Bộ thành đồng đã thực hiện “tiêu thổ kháng chiến, trong đánh ngoài vây” khiến cho cả một lực lượng viễn chinh nhà nghề với tàu chiến, máy bay, xe tăng tạo thành cỗ máy chiến tranh hiện đại bị giam chân hơn một tháng trong một thành phố không điện, không nước, không lương thực, tác động mạnh mẽ đến ý chí xâm lược của kẻ thù và góp phần làm chậm bước tiến của chúng.
Nhưng rồi phòng tuyến bị vỡ, tầm vông vạt nhọn sao có thể đối đầu với xe tăng, đại bác. Máu đã đổ để lời thề “Độc lập hay là chết” vang vọng đường phố Sài Gòn và khắp các tỉnh Nam Bộ, thể hiện ý chí, quyết tâm bảo vệ nền độc lập của đồng bào Nam Bộ và mở đầu cho cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân ta.
Ngày 26/9/1945, đứng trên vị trí chiến đấu của mình, chiến sĩ và đồng bào Nam Bộ đã được nghe những lời thiết tha của Chủ tịch Hồ Chí Minh trên làn sóng của Đài Tiếng nói Việt Nam: “… Tôi chắc và cả nước đều chắc vào lòng kiên quyết ái quốc của đồng bào Nam Bộ… Tôi chắc và đồng bào Nam Bộ cũng chắc rằng Chính phủ và đồng bào toàn quốc sẽ hết sức ủng hộ những chiến sĩ và nhân dân đang hy sinh đấu tranh để giữ nền độc lập của nước nhà… Chúng ta nhất định thắng lợi vì chúng ta có lực lượng đoàn kết của toàn dân. Chúng ta nhất định thắng lợi vì cuộc đấu tranh của chúng ta là chính nghĩa…”[2], lời Người như hòa cùng tiếng vọng của núi sông, hòa cùng nhịp đập cháy bỏng của những trái tim yêu nước nồng nàn, như là một lời khẳng định ý chí và quyết tâm bảo vệ nền độc lập dân tộc và khẳng định kháng chiến nhất định sẽ đi đến thắng lợi. Nam Bộ đang đứng trên tuyến đầu của cuộc kháng chiến và cả nước đang ở phía sau dồn toàn bộ sức lực ủng hộ cho cuộc chiến đấu của đồng bào Nam Bộ.
Chỉ ít ngày sau khi kháng chiến bùng nổ, những đội quân Nam tiến đầu tiên đã vào đến chiến trường. Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng đã cử Chi đội do Nam Long chỉ huy vào chi viện cho Nam bộ; đồng thời cử Chi đội Hà Vi Tùng vào Nam Trung bộ để yểm trợ. Thanh niên miền Bắc, miền Trung nô nức tòng quân và xin được vào Nam chiến đấu. Những chuyến tàu tốc hành chạy ngày đêm không nghỉ. Những chi đội Nam tiến đầu tiên đã đến kịp thời, sát cánh với đồng bào Nam Bộ trong những ngày kháng chiến đầu tiên của dân tộc. Dòng máu trẻ cứ rần rật chảy trong người, hàng ngàn, hàng vạn con người, những đội hình đội ngũ chỉnh tề, vũ khí trên tay chỉ hết sức đơn sơ mà tinh thần đánh giặc vô cùng hăng hái.
Nhưng rồi trước sự tăng viện mạnh mẽ của thực dân Pháp, các mặt trận liên tục bị vỡ, địch dần dần làm chủ hoàn toàn Nam Bộ. Từ lúc này, những cánh rừng cao su miền Đông, rừng đước U Minh, rừng tràm Đồng Tháp Mười trở thành mái ấm chở che cho các chiến sĩ cách mạng. Cũng chính những cánh rừng này là nơi nuôi dưỡng, rèn luyện và là nơi bừng sáng lên ý chí và quyết tâm bảo vệ nền độc lập dân tộc. Đồng bào và chiến sĩ Nam Bộ đã kiên cường bám trụ, vừa chiến đấu, vừa xây dựng lực lượng để tiến hành một cuộc kháng chiến lâu dài và gian khổ.
Trong hoàn cảnh khó khăn ngặt nghèo đó, đồng bào Nam Bộ đã tham gia cuộc tổng tuyển cử bầu Quốc hội đầu tiên của một nước Việt Nam độc lập. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử, một cuộc Tổng tuyển cử dân chủ được tổ chức để toàn thể công dân trực tiếp quyết định vận mệnh của đất nước và tương lai của chính mình. Nam Bộ là nơi cuộc Tổng tuyển cử diễn ra dưới mưa bom, bão đạn của kẻ thù, là nơi mà ý chí và nguyện vọng của nhân dân ta được thể hiện qua từng lá phiếu thấm máu đào, nó tựa như là một lời khẳng định đanh thép ý chí và quyết tâm bảo vệ nền độc lập của đồng bào Nam Bộ. Bất chấp sự ngăn cản và đàn áp của kẻ thù, cuộc Tổng Tuyển cử vẫn diễn ra và thành công tốt đẹp.
Thành công của cuộc Tổng tuyển cử tại Nam Bộ biểu thị ý chí kiên quyết bảo vệ độc lập của dân tộc, thống nhất đất nước, động viên toàn dân hăng hái tham gia kháng chiến, củng cố chính quyền. Đồng thời, đây là một đòn giáng mạnh vào âm mưu tách Nam Bộ ra khỏi Việt Nam của thực dân Pháp. Trong Lời hiệu triệu ngày 27/2/1946 của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định ý chí và quyết tâm bảo vệ nền độc lập: “Còn một tấc đất, còn một người dân thì còn chiến đấu, lúc nào cũng sẵn sàng và không bao giờ do dự hoang mang”[3] và cũng trong tháng này, Người tặng cho quân dân Nam bộ danh hiệu vẻ vang “Thành đồng Tổ quốc”.
Đã 76 năm qua đi, nhưng những chiến công vang dội của quân và dân Nam Bộ trong những ngày đầu kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược còn sống mãi và ghi tạc vào lịch sử dân tộc như một mốc son chói lọi. Lịch sử được viết bằng máu, những trang sử được viết bằng máu nặng tựa ngàn cân. Hình ảnh về bóng cờ đỏ sao vàng bay trong gió của cái ngày cướp chính quyền, bóng cờ ám khói trên chiến lũy giữa lòng thành phố Sài Gòn mãi mãi khắc sâu vào tâm trí toàn dân. Đồng bào Nam Bộ hiểu rằng cuộc kháng chiến sẽ còn rất gian khổ và lâu dài, nhưng những chiến sĩ cách mạng với ý chí và quyết tâm bảo vệ nền độc lập, vẫn vững tin vào một ngày toàn thắng. Để rồi, lòng yêu nước, tinh thần chiến đấu quật cường của quân và dân Nam Bộ, Sài Gòn – Chợ Lớn đã được tiếp nối, phát huy cao độ trong suốt những năm tháng trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, tiếp tục lập những chiến công vẻ vang, góp phần quan trọng vào sự nghiệp cách mạng, giải phóng dân tộc.
Phòng Lý luận chính trị – Lịch sử Đảng
Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM