Sau thất bại Khởi nghĩa Nam Kỳ 1940, Xứ ủy Tiền Phong mất liên lạc với Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương, phải tự vạch ra đường lối hoạt động cách mạng.

Ngày 09/03/1945, quân Nhật đảo chính Pháp trên toàn Đông Dương, xóa bỏ chủ quyền của Pháp tại Đông Dương, khiến cho bộ máy cai trị của Pháp tại Đông Dương bị tan rã. Nhật lập chính quyền mới nhưng chưa ổn định, chưa nắm được nhân sự trong bộ máy cai trị của thực dân Pháp để lại.

Thống đốc Nam Kỳ người Nhật lên thay vội vàng lập ra bộ máy cai trị, trong đó tập hợp được nhiều trí thức có cảm tình với phong trào thanh niên, với cách mạng và sẵn lòng ủng hộ Việt Minh như Lê Quang Hộ – Đổng lý Văn phòng Dinh Toàn quyền Nhật, Hồ Vĩnh Ký – Giám đốc Sở Mật thám Catinat, luật sư Huỳnh Văn Phương làm Phó Giám đốc Sở Mật thám Catinat, Giáo sư Lê Văn Huấn – Giám đốc Thanh niên – Thể thao (nhận chức theo sự động viên của Huỳnh Văn Tiểng, thay thế cho Phó Toàn quyền Pháp Ducoroy đã bị quân phát xít Nhật bắt).

Trên cơ sở đánh giá tình hình thực tiễn cách mạng Nam Bộ trước Cách mạng Tháng Tám 1945 với nhận định về tình hình Nam Bộ khi phát xít Nhật thế Pháp chiếm đóng trên toàn lãnh thổ Việt Nam nói chung và lãnh thổ Nam Bộ nói riêng: “Nếu Việt Minh yếu hơn phe thân Nhật thì một khi Nhật bại trận, phe thân Nhật sẽ quay ra làm tay sai của đồng minh, khi Pháp quay trở lại Đông Dương thì họ sẽ theo Pháp. Mà quân Nhật thì không còn có thể đứng được lâu dài sau khi Đức Hitler đầu hàng. Cho nên, vấn đề được cấp bách đặt ra là trong một thời gian ngắn ta phải làm đủ cách để cho ở Nam Kỳ, chủ yếu là ở tại Sài Gòn, lực lượng của Đảng và Việt Minh ít nhất phải mạnh bằng tất cả các đảng phái và giáo phái thân Nhật, hợp lại”[1], Xứ ủy Tiền Phong đã đề ra một số chủ trương về đoàn kết, tập hợp người dân Nam Bộ nói chung và người dân Thành phố Sài Gòn – Chợ Lớn – Gia Định (và nhất là lực lượng thanh niên) chuẩn bị cho Tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám 1945: phải xây dựng đội quân chính trị “đông hàng chục vạn, hàng triệu, có tinh thần chiến đấu cao, có kỷ luật đội ngũ, do Đảng lãnh đạo, có sức lôi cuốn đa số đồng bào thành thị và thôn quê”[2]; phải“tập hợp cho được đa số giai cấp công nhân … bao gồm cả viên chức công và tư, người làm tất cả các nghề thủ công, người lao động lẻ tẻ”; tập hợp “thanh niên, không phải chỉ thanh niên lao động mà là thanh niên thuộc bất kỳ tầng lớp, giai cấp nào miễn tán thành đấu tranh chống thực dân Pháp, giành độc lập tự do, chống chủ nghĩa Đại Đông Á của Nhật, chống “huyền thoại Liên Bang Đông Dương” của Decoux. Cụ thể và trước hết hãy chú trọng đặc biệt vào học sinh, sinh viên”[3]; “Ở Sài Gòn – Chợ Lớn – Gia Định phải gấp rút tập trung nhiều cán bộ nhất vào hai ngành công tác chính là vận động công nhân và vận động thanh niên, ở đó Đảng đã có một lực lượng đáng kể nhưng so với nhu cầu của tình thế thì chưa thấm vào đâu”[4]

Trên cơ sở hiện thực hóa, cụ thể hóa chủ trương như vậy, vào ngày 21/04/1945, tổ chức Thanh niên Tiền phong được thành lập và do bác sĩ Phạm Ngọc Thạch làm Chủ tịch Hội đồng quản trị. Tuy nhiên, đến lúc này, tổ chức chính trị Thanh niên Tiền phong vẫn là một tổ chức bí mật, bất hợp pháp do Đảng Cộng sản Đông Dương, mà trực tiếp ở đây là Xứ ủy Tiền Phong lãnh đạo.

Tháng 05/1945, chỉ huy quân đội phát xít Nhật ở Nam Bộ định lợi dụng một số trí thức mà chính quân đội phát xít Nhật ở Nam Bộ cho là không phải Đảng viên Đảng Cộng sản để tổ chức phong trào thanh niên. Nhân dịp này, Quyền Tổng trưởng Tổng ủy Thanh niên – Thể thao Đông Dương Iida cho mời bác sĩ Phạm Ngọc Thạch đến gặp và gợi ý cho bác sĩ Phạm Ngọc Thạch là “Nhật rồi sẽ thua và trong tình thế hiện thời, Việt Nam nên lập ra một tổ chức tập hợp thanh niên ở Sài Gòn và Nam Kỳ, sẽ rất hữu ích cho cục diện đất nước”[5]. Sau cuộc gặp với Quyền Tổng trưởng Tổng ủy Thanh niên – Thể thao Đông Dương Iida, bác sĩ Phạm Ngọc Thạch ngay lập tức báo cáo lời gợi ích của Quyền Tổng trưởng Tổng ủy Thanh niên – Thể thao Đông Dương Iida cho Trần Văn Giàu – Bí thư Xứ ủy Tiền Phong.

Sau khi Xứ ủy Tiền Phong thống nhất ý kiến, Trần Văn Giàu – Bí thư Xứ ủy Tiền Phong, quyết định đưa bác sĩ Phạm Ngọc Thạch ra hoạt động công khai dưới vỏ bọc của Tổng cục Thanh niên – Thể thao cùng với bác sĩ Nguyễn Văn Thủ và Huỳnh Văn Tiểng, quyết định đưa ra công khai tổ chức Thanh niên Tiền phong đã thành lập từ ngày 21/04/1945. Để giải thích về sự đồng ý của Xứ ủy Tiền Phong về đề nghị của Quyền Tổng trưởng Tổng ủy Thanh niên – Thể thao Đông Dương Iida dành cho bác sĩ Phạm Ngọc Thạch ở thời điểm đó, Trần Văn Giàu – Bí thư Xứ ủy Tiền Phong, đã ghi trong Hồi ký của mình rằng: “Nếu hồi 1942, 1943 … mà Nhật mời bác sĩ Phạm Ngọc Thạch ra tập hợp thanh niên, làm thủ lãnh thanh niên, thì Xứ ủy chắc không tán thành đâu. Còn như vào giữa năm 1945, Ý, Đức đầu hàng, Nhật Bản trơ trọi, chết tới nơi, ta rất có thể và cần phải đứng ra lợi dụng công khai để huy động hàng chục vạn, hàng trăm vạn nhân dân làm lực lượng chính trị giành chính quyền khi thời cơ chín muồi, khi quân phiệt Nhật sụp đổ”.[6]

Xứ ủy Tiền Phong và ban lãnh đạo tổ chức Thanh niên Tiền phong đã tìm cách buộc được Toàn quyền người Nhật ký Quyết định chấp thuận thành lập tổ chức Thanh niên Tiền phong để giữ thế hợp pháp và dễ dàng tiếp nhận được nguồn tài trợ của chính quyền phát xít Nhật. Sau khi trao đổi Huỳnh Văn Tiểng trao đổi với Giáo sư Lê Văn Huấn – Giám đốc Thanh niên – Thể thao, Huỳnh Văn Tiểng nhanh chóng được chấp thuận làm Tráng trưởng tổ chức Thanh niên Tiền phong mà không cần thông báo cho Toàn quyền người Nhật Bản. Sau này, nhớ về thời kỳ này, Trần Văn Giàu – Bí thư Xứ ủy Tiền Phong, đã những cảm nhận rằng: “Người Nhật là Ida đến xin bác sĩ Phạm Ngọc Thạch đứng ra làm việc tập hợp thanh niên Nam Bộ. Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch vừa mới thành đảng viên cộng sản, Iđa làm sao biết được? Ta tương kế tựu kế mà lao vào tổ chức thanh niên. Tự ta đặt tên tổ chức, đặt ra hệ thống, đặt ra cờ, đồng phục, cách hoạt động và nội dung tư tưởng của cuộc hoạt động thanh niên, tự ta chỉ định các thủ lĩnh thanh niên. Ta không hề xin Nhật cho phép hay xin ý kiến về bất cứ một vấn đề nào”[7]

Vào ngày 01/06/1945, tổ chức Thanh niên Tiền phong chính thức ra mắt nhân dân thành phố Sài Gòn nói riêng và toàn thể người dân Nam Bộ nói chung, trụ sở đặt tại Sở Thanh niên và thể thao Nam Kỳ, số 14 đường Charner, Thành phố Sài Gòn (nay là đường Nguyễn Huệ, Quận 01, Thành phố Hồ Chí Minh).

Vì sao lại lấy tên gọi là Thanh niên Tiền phong mà không phải bất cứ tên gọi nào khác? Nếu do theo cố Giáo sư Trần Văn Giàu: “Chữ “tiền phong” có một tác dụng kích động tinh thần chiến đấu ở hàng đầu”[8]. Tuy nhiên, theo quan điểm của tác giả, tổ chức Xứ ủy Tiền Phong lấy tên “Thanh niên Tiền phong” cho tổ chức còn là do để phân biệt đây là tổ chức do Xứ ủy Tiền Phong thành lập và lãnh đạo.

Tổ chức Thanh niên Tiền phong lấy cờ vàng sao đỏ làm Đoàn kỳ; Đoàn ca là bài hát “Lên đàng” do nhạc sĩ Lưu Hữu Phước và Huỳnh Văn Tiểng sáng tác; treo khẩu hiệu công khai là “Cải tổ lại xã hội, cải thiện đời sống của nhân dân”; huy hiệu tổ chức nền vàng dài 03 phân, viền đỏ có ngôi sao đỏ chính giữa riêng huy hiệu của thủ lĩnh có thêm 01 gạch đỏ, của phó thủ lĩnh có thêm 02 gạch đỏ; đồng phục là quần soọc, áo sơ mi trắng cộc tay, dép cao su mũ vành rộng; thành viên được trang bị dao găm, gậy tầm vông vạt nhọn và cuộn dây thừng. Những hình ảnh của các thành viên tổ chức Thanh niên Tiền phong trong bộ đồng phục đã được khẳng định bởi cố nhà báo Trần Bạch Đằng trong bài viết “Tổng khởi nghĩa tháng Tám ở Sài Gòn – Nhớ Thanh niên Tiền phong” vào tháng 08/2005: “Ở Sài Gòn và nhiều địa phương, đặc trưng của thời kỳ này là Thanh niên Tiền phong mặc đồng phục, vác tầm vông, hàng ngũ chỉnh tề, bước rập ràng theo tiếng đếm một, hai và theo tiếng còi của chỉ huy”[9]

Về lá cờ vàng sao đỏ của tổ chức Thanh niên Tiền Phong, lịch sử lúc bấy giờ và cả sau này đều đặt ra một câu hỏi là tại sao tổ chức Thanh niên Tiền phong cần phải có lá cờ này. Theo cách lý giải từ Huỳnh Văn Tiểng: “Chúng tôi bàn với nhau phải có cờ riêng, nếu không Nhật sẽ bắt treo cờ Nhật hay cờ của chính quyền bù nhìn. Đến lúc ấy nếu ta từ chối Nhật sẽ gây khó khăn. Nhất định phải có cờ riêng trước, làm một sự đã rồi với Nhật. Để thuận tiện khi thay đổi, chúng tôi đề đạt lấy cờ Việt Minh nhưng thay đổi màu, nền vàng sao đỏ làm cờ cho Thanh niên Tiền phong. Sau nầy đến lúc khởi nghĩa cướp chính quyền ta đổi ngược lại sẽ thành cờ Việt Minh”[10]. Và, chính lá cờ này cũng đặt ra thêm một câu hỏi: Tại sao lá cờ lại lấy nền vàng sao đỏ mà không lấy nền đỏ sao vàng? Lý giải về vấn đề này, chính cố Giáo sư Trần Văn Giàu – người Bí thư Xứ ủy Tiền Phong, đã nhận định rằng: “Vì làm công khai thì không thể nào dùng cờ đỏ sao vàng được, mà nhất thiết một đoàn thể lớn phải có cờ hiệu. Vả lại “sao đỏ” hàm ý nghĩa tư tưởng cách mạng Mác – Lê dẫn dắt. Cờ của Đảng, của Xứ ủy, thì vẫn là cờ đỏ búa liềm không tiện đưa ra một cách công khai”[11]

Về mặt tổ chức, tổ chức Thanh niên Tiền phong được hoạt động công khai dưới sự cho phép của Sở Thể dục – Thể thao Đông Dương của phát xít Nhật theo mô hình của của tổ chức Hướng đạo Việt Nam và Tổng hội Sinh viên Đông Dương và tổ chức theo 04 cấp theo địa bàn tổ chức hành chính thời bấy giờ: Nam Kỳ – Tỉnh (Thành) – Huyện (Quận) – Xã và đã phát triển đến từng xóm, ấp, khu phố, xóm lao động, các ngành, các sở, các xí nghiệp, thậm chí tại dinh Khâm sai cũng có bộ phận cơ sở của tổ chức Thanh niên Tiền phong. Trong đó, người đứng đầu ở cấp Tỉnh (Thành) – Huyện (Quận) được gọi là Thủ lĩnh, cấp Làng (Thôn) gọi là Đoàn trưởng hoặc Tráng trưởng.

Ở cấp quản lý Nam Kỳ, tổ chức Thanh niên Tiền Phong được tổ chức theo cơ cấu bộ máy như sau: Hội đồng quản trị, Ban tuyên truyền cổ động tổ chức, Ban hoạt động xã hội, Ban biên tập báo “Tiến” (cơ quan ngôn luận của tổ chức Thanh niên Tiền phong), Ban huấn luyện quân sự, Ban Văn nghệ, Thanh niên Tiền phong ban xí nghiệp.

Đảng đoàn tổ chức Thanh niên Tiền phong đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp và toàn diện của Xứ ủy Tiền Phong do Cố Giáo sư Trần Văn Giàu làm Bí thư gồm có 03 người do bác sĩ Phạm Ngọc Thạch làm Trưởng ban, Huỳnh Văn Tiểng và Nguyễn Văn Thủ làm Ủy viên, được trực tiếp báo cáo tình hình và xin ý kiến chỉ đạo của Xứ ủy.

Hội đồng quản trị gồm 25 thành viên do Đảng đoàn làm nòng cốt quản lý, bác sĩ Phạm Ngọc Thạch làm Chủ tịch Hội đồng quản trị, Huỳnh Văn Tiểng làm Tráng trưởng phụ trách thanh niên, bác sĩ Nguyễn Văn Thủ làm Tráng trưởng phụ trách thể thao. Ngoài ra, trong Hội đồng quản trị của tổ chức Thanh niên Tiền phong còn có nhiều trí thức, nhân sĩ yêu nước khác cùng tham gia như dược sĩ Trần Kim Quan, kỹ sư Kha Vạng Cân, bác sĩ Hồ Văn Nhựt, họa sĩ Hồ Văn Lái, giáo sư Lê Văn Huấn, kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát, nha sĩ Nguyễn Văn Thủ, luật sư Thái Văn Lung,…

Ban tuyên truyền cổ động tổ chức do kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát, Trần Bửu Kiếm, Đặng Ngọc Tốt, Vương Văn Lễ, Lê Văn Nhàn phụ trách

Ban hoạt động xã hội do bác sĩ Phạm Ngọc Thạch, Nguyễn Việt Nam, Tạ Bá Tòng phụ trách

Ban biên tập báo “Tiến” (cơ quan ngôn luận của tổ chức Thanh niên Tiền phong) do chính bác sĩ Phạm Ngọc Thạch làm Tổng Thư ký, Mai Văn Bộ làm chủ bút, Quách Vũ là thư ký tòa soạn

Ban huấn luyện quân sự do luật sư Thái Văn Lung phụ trách

Ban văn nghệ do Lưu Hữu Phước, Trần Văn Khê, Bùi Đức Tịnh, Võ Văn Khải, Quách Vĩnh Chương, Trịnh Hy Liệt phụ trách

Thanh niên Tiền phong ban xí nghiệp do Tổng Công hội (thuộc sự quản lý của Xứ ủy Tiền Phong) làm nòng cốt, gồm Hoàng Đôn Văn, Nguyễn Văn Tự, Huỳnh Đình Hai, Nguyễn Lưu, Tư Văn Ri, Nguyễn Văn Giỏi,…

Phụ trách về tài chính của tổ chức Thanh niên Tiền phong là dược sĩ Trần Kim Quan và Kha Vạng Cân

Phụ trách công tác Ban phát thanh có Phạm Hữu Tùng (Phan Huỳnh Tấn)

Về mặt thành viên, tổ chức Thanh niên Tiền phong tập hợp toàn thể quần  chúng, không phân biệt chính trị, dân tộc, tôn giáo và do vậy, trên nòng cốt là lực lượng công nhân, thanh niên, trí thức, học sinh – sinh viên đã thu hút được cả các bậc phụ lão, thiếu nhi, hàng vạn tín đồ của tất cả giáo phái, nhân sĩ, trí thức, công chức các sở, ban, ngành lúc đó đều cùng tham gia.

———

[1] Trần Văn Giàu. (2020). Sự phát triển của tư tưởng ở Việt Nam từ thế kỷ XIX đến Cách mạng Tháng Tám Tập III Thànnh công của chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. TP. Hồ Chí Minh: NXB Tổng Hợp TP. Hồ Chí Minh (tr 487 – 488)

[2] Nhiều tác giả. (2019). Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh: Quá trình hình thành & phát triển. TP. Hồ Chí Minh: NXB Trẻ (tr 8)

[3] Nhiều tác giả. (2019). Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh: Quá trình hình thành & phát triển. TP. Hồ Chí Minh: NXB Trẻ (tr 8 – 9)

[4] Trần Văn Giàu. (2020). Sự phát triển của tư tưởng ở Việt Nam từ thế kỷ XIX đến Cách mạng Tháng Tám Tập III Thànnh công của chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. TP. Hồ Chí Minh: NXB Tổng Hợp TP. Hồ Chí Minh (tr 488)

[5] Nhiều tác giả. (2019). Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh: Quá trình hình thành & phát triển. TP. Hồ Chí Minh: NXB Trẻ (tr 11)

[6] Nhiều tác giả. (2019). Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh: Quá trình hình thành & phát triển. TP. Hồ Chí Minh: NXB Trẻ (tr 12)

[7] Hội đồng Khoa học Xã hội Thành phố Hồ Chí Minh. (2018). Địa chí văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh Tập I Lịch sử. TP. Hồ Chí Minh: NXB Tổng Hợp TP. Hồ Chí Minh (tr 455)

[8] Trần Văn Giàu. (2020). Sự phát triển của tư tưởng ở Việt Nam từ thế kỷ XIX đến Cách mạng Tháng Tám Tập III Thànnh công của chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. TP. Hồ Chí Minh: NXB Tổng Hợp TP. Hồ Chí Minh (tr 488)

[9] Trần Bạch Đằng. (2017). Và “Câu chuyện thứ Tư” trên báo Thanh niên (nhân kỷ niệm 10 năm ngày mất của đồng chí Trần Bạch Đằng). TP. Hồ Chí Minh: NXB Văn hóa – Văn nghệ (tr 311)

[10] Nhiều tác giả. (2019). Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh: Quá trình hình thành & phát triển. TP. Hồ Chí Minh: NXB Trẻ. (tr 12 – 13)

[11] Trần Văn Giàu. (2020). Sự phát triển của tư tưởng ở Việt Nam từ thế kỷ XIX đến Cách mạng Tháng Tám Tập III Thànnh công của chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. TP. Hồ Chí Minh: NXB Tổng Hợp TP. Hồ Chí Minh (tr 488)