Vào Chủ nhật, ngày 01/07/1945, tại vườn Ông Thượng (Công viên Tao Đàn, Quận 01, Thành phố Hồ Chí Minh ngày nay), tổ chức Thanh niên Tiền phong đã tổ chức lễ tuyên thệ lần thứ nhất với sự tham dự của khoảng 20.000 Đoàn viên Thanh niên Tiền phong. Trong buổi lễ này, Đoàn viên Thanh niên Tiền phong mặc đồng phục, hàng ngũ tề chỉnh, nghiêm trang; một gối quỳ xuống đất, bàn tay trái xòe ra đưa ngang vai, cùng hướng về lễ đài, dõi theo và lắng nghe những lãnh đạo của tổ chức Thanh niên Tiền phong hiệu triệu: “Thanh niên hãy nhận thức rằng: Thời của đất nước đang đến, Thanh niên Việt Nam phải sẵn sàng, phải hiệp lực để cứu nước, để phụng sự dân tộc, phụng sự nhân dân”[1], nghe bác sĩ Phạm Ngọc Thạch đọc lời kêu gọi: “…dân tộc Việt Nam không bao giờ là dân tộc hèn mạt …, dân tộc Việt Nam ngày nay vẫn còn giữ hết tinh thần tranh đấu của anh hùng xưa để đem lại cho nước ta một địa vị độc lập trên trường quốc tế … Ta luôn luôn đừng quên rằng mấy nhà chí sĩ cách mạng từ Phạm Hồng Thái, Nguyễn Thái Học, Đoàn Trần Nghiệp đến Lý Tự Trọng, Nguyễn Thị Minh Khai, Hà Huy Tập đều toàn là mấy thanh niên trẻ tuổi đã hiến cho Tổ quốc một tinh thần cứng cỏi tranh đấu. Ta nên cúi đấu trước bóng người xưa mà lãnh lại ngày nay một sứ mạng chiến đấu mới để khỏi thẹn với non sông”[2]. Những người Đoàn viên Thanh niên Tiền phong được nghe lời hiệu triệu, kêu gọi của những thủ lĩnh của tổ chức Thanh niên Tiền Phong, bác sĩ Phạm Ngọc Thạch và họ cùng với bác sĩ Phạm Ngọc Thạch – Người Thủ lĩnh của tổ chức Thanh niên Tiền phong – tuyên đọc ba lời thề:

“Chúng ta thề trung thành với Tổ quốc: – Xin thề! Xin thề! Xin thề!

“Chúng ta thề trung thành với nhân dân: : – Xin thề! Xin thề! Xin thề!

Chúng ta thề giữ gìn phẩm chất tốt đẹp: – Xin thề! Xin thề! Xin thề!”[3]

Ngay sau đó, nhạc sĩ Lưu Hữu Phước đứng trên bục cao 15 thước, tay cầm cờ đuôi nheo đánh nhịp cho tất cả Đoàn viên Thanh niên Tiền phong cùng những người tham dự buổi lễ tuyên thệ hát bài Lên Đàng: Nào anh em ta cùng nhau xông pha lên đàng, kiếm nguồn tươi sáng. Ta nguyền đồng lòng điểm tô non sông, từ nay ra sức anh tài. Đoàn ta chen vai nề chi chông gai lên đàng. Ta người Việt Nam. Nhìn tương lai huy hoàng, Đoàn ta bước lên đàng cùng hiên ngang hát vang. Nhìn non sông ta trời mây bao la muôn đời, tâm hồn phơi phới. Mau nhìn hoàn cầu khá trông năm châu, cùng nhau tung chí anh hào. Đoàn ta đi mau lòng trai không nao lên đàng. Ta người Việt Nam. Nhìn non sông tưng bừng, đoàn ta hát vang lừng, nào tung bay chí trai. Kìa gương trung kiên truyền lưu muôn năm lên đàng, kết đoàn hùng tráng. Danh lừng Bạch Đằng, tiếng vang Chi Lăng, đồng tâm noi dấu anh hùng. Ngày xưa ai đem tài cho quê hương bao lần. Khuông phò nhà Nam. Đoàn ta ghi trong lòng, đời hy sinh anh hùng nhìn non sông thẳng xông

Tiếp sau khi tất cả Đoàn viên Thanh niên Tiền phong cùng những người tham dự buổi lễ tuyên thệ hát bài Lên Đàng, tất cả khối đông tham gia lễ tuyên thệ rầm rập nhịp chân tại chỗ đều đặn theo giọng đếm hùng dũng: “Một! Hai! Một! Hai! Một! Hai! Một! Hai!”, thủ lĩnh Thanh niên Tiền phong – bác sĩ Phạm Ngọc Thạch xướng “Thanh niên!, tất cả lực lượng Đoàn viên Thanh niên Tiền phong đều đáp lại mạnh mẽ “Tiến!”

Vào Chủ nhật, ngày 19/08/1945, tại vườn Ông Thượng (Công viên Tao Đàn, Quận 01, Thành phố Hồ Chí Minh ngày nay), tổ chức Thanh niên Tiền phong, dưới sự chỉ đạo của Xứ ủy Tiền Phong, đã tổ chức lễ tuyên thệ lần thứ hai với sự tham gia của trên 50.000 Đoàn viên Đoàn viên Thanh niên Tiền phong. Trong bài diễn văn tại buổi lễ tuyên thệ thứ hai, thủ lĩnh Thanh niên Tiền phong – bác sĩ Phạm Ngọc Thạch đã công khai giới thiệu tổ chức Thanh niên Tiền phong là thành viên của Việt Minh và tổ chức Thanh niên Tiền phong quyết đấu tranh giành độc lập tự do cho Tổ quốc. Ngay sau khi thủ lĩnh Thanh niên Tiền phong – bác sĩ Phạm Ngọc Thạch tuyên đọc ba lời thề:

“Chúng ta thề trung thành với Tổ quốc: – Xin thề! Xin thề! Xin thề!

“Chúng ta thề trung thành với nhân dân: : – Xin thề! Xin thề! Xin thề!

Chúng ta thề giữ gìn phẩm chất tốt đẹp: – Xin thề! Xin thề! Xin thề!”[4]

tức thì cả buổi lễ hô to “Hoan hô Việt Minh! Hoan hô! Hoan hô!”. Ngay sau đó, nhạc sĩ Lưu Hữu Phước đứng trên bục cao 15 thước, tay cầm cờ đuôi nheo đánh nhịp cho tất cả Đoàn viên Thanh niên Tiền phong cùng những người tham dự buổi lễ tuyên thệ hát bài Lên Đàng như ở buổi lễ tuyên thệ lần thứ I. Ngay sau khi dứt bài hát Lên Đàng, nhạc sĩ Lưu Hữu Phước tiếp tục bắt nhịp cho toàn buổi lễ cùng cất vang những câu hát trong bài hát “Tiếng gọi thanh niên”[5]:

Nhớ về sự kiện này, Giáo sư Trần Văn Giàu đã viết: “Hôm ấy, không biết mấy chục đoàn thanh niên tiền phong, mỗi đoàn mấy ngàn người, từ các ngoại ô phụ cận, từ các quận nội thành lần lượt kéo vài trung tâm Sài Gòn, ai nấy đều mặc đồng phục, giầy bố, quần soóc màu, sơ mi ngắn tay, nón bàng, một cuộn dây thừng và một chiếc dao lam ở thắt lưng, hàng ngũ chỉnh tề, đi đứng như quân đội, cùng hát bài “Lên Đàng”, đúng hẹn tập hợp trong Vườn ông Thượng, nay là công viên Tao Đàn. Khoảng 50 nghìn đoàn viên, nghe thủ lĩnh Phạm Ngọc Thạch đọc bài diễn văn nảy lửa, hô hào tuổi trẻ theo gương Nguyễn Thái Học, Lê Hồng Phong, Hà Huy Tập, Nguyễn Thị Minh Khai, nghe tráng trưởng Huỳnh Văn Tiểng đọc ba lời thề. Tất cả đoàn viên quỳ một chân, đưa tay hô “Xin thề”. Sau đó 50 nghìn người kéo ra tuần hành trên các phố lớn có cả chục, cả trăm ngàn người theo sau hay đứng hai bên đường hoan nghên nhiệt liệt “Thanh niên, tiến!””[6]

Có thể nói rằng, thông qua 02 buổi lễ tuyên thệ kể trên, vai trò là một tổ chức huấn luyện chính trị cho các thủ lĩnh của phong trào cách mạng do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo và đoàn viên nhằm xây dựng lực lượng nòng cốt chính trị của tổ chức Thanh niên Tiền phong đã được thể hiện một cách rõ ràng.

———-

[1] TS. Trần Nam Tiến. (2011). Khi Tổ quốc cần thanh niên hành động. TP. Hồ Chí Minh: NXB Trẻ (tr 59)

[2] Nhiều tác giả. (2019). Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh: Quá trình hình thành & phát triển. TP. Hồ Chí Minh: NXB Trẻ (tr 15)

[3] Nhiều tác giả. (2019). Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh: Quá trình hình thành & phát triển. TP. Hồ Chí Minh: NXB Trẻ (tr 15)

[4] Nhiều tác giả. (2019). Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh: Quá trình hình thành & phát triển. TP. Hồ Chí Minh: NXB Trẻ (tr 15)

[5] Nguyên văn lời bài hát: Này anh em ơi, tiến lên đến ngày giải phóng. Đồng lòng cùng nhau ra đi sá gì thân sống. Cùng nhau ta tuốt gươm, cùng nhau ta đứng lên. Thù kia chưa trả xong thì ta luôn cố bền. Lầm than bao năm ta đau khổ biết mấy. Vàng đá gấm vóc loài muông thú cướp lấy. Loài nó, chúng lấy máu đào chúng ta. Làm ta gian nan cửa nhà tan rã. Bầu máu nhắc tới nó càng thêm nóng sôi. Ta quyết thề phá tan quân dã man rồi. Vung gươm lên ta thề đem hết lòng. Tiến lên đồng tiến sá chi đời sống. Chớ quên rằng ta là giống Lạc Hồng. Này sinh viên ơi, đứng lên đáp lời sông núi. Đồng lòng cùng đi đi đi mở đường khai lối. Kìa non sông nước xưa, truyền muôn năm chớ quên. Nào anh em Bắc Nam cùng nhau ta kết đoàn. Hồn thanh xuân như gương trong sáng. Đừng tiếc máu nóng tài xin ráng. Thời khó thế khó khó làm yếu ta. Dù muôn chông gai vững lòng chi sá. Đường mới kíp phóng mắt nhìn xa bốn phương. Tung cánh hồn thiếu niên ai đó can trường. Sinh viên ơi mau tiến lên dưới cờ. Anh em ơi quật cường nay đến giờ. Tiến lên cùng tiến gió tung nguồn sống. Cháy trong lòng ta ngàn mớ lửa hồng. Này thanh niên ơi, tiến lên đến ngày giải phóng. Đồng lòng cùng đi đi đi sá gì thân sống. Nhìn non sông nát tan thù nung tâm chí cao. Nhìn muôn dân khóc than, hờn sôi trong máu đào. Liều thân xông pha ta tranh đấu. Cờ nghĩa phấp phới vàng pha máu. Cùng tiến quét hết những loài dã man. Hầu đem quê hương thoát vòng u ám. Thề quyết lấy máu nóng mà rửa oán chung. Muôn thuở vì núi ông nêu tiếng anh hùng. Anh em ơi, mau tiến lên dưới cờ. Sinh viên ơi, quật cường nay đến giờ. Tiến lên cùng tiến gió tung nguồn sống. Cháy trong lòng ta ngàn mớ lửa hồng”, trích trong TS. Trần Nam Tiến. (2011). Khi Tổ quốc cần thanh niên hành động. TP. Hồ Chí Minh: NXB Trẻ (tr 57)

[6] Nhiều tác giả. (2015). Ấn tượng Sài Gòn – Thành phố Hồ Chí Minh. TP. Hồ Chí Minh: NXB Trẻ&Tạp chí Xưa và Nay (tr 67 – 68)