- Quản trị
- Tháng Tám 18, 2021
- 1:20 sáng
Năm 1945, với tình hình trong nước và thế giới có những chuyển biến rõ rệt, đặc biệt là sau đêm Nhật đảo chính Pháp (9/3/1945), nhận thấy đây là thời cơ lớn để nhân dân Việt Nam đứng lên, phá tan xiềng xích nô lệ. Tại Sài Gòn – Chợ Lớn – Gia Định lúc này, cách mạng đòi hỏi phải có một tổ chức công khai đứng ra tập hợp rộng rãi các tầng lớp nhân dân chuẩn bị lực lượng cho Tổng khởi nghĩa giành chính quyền. Với truyền thống đấu tranh cách mạng và tinh thần chủ động sáng tạo của Đảng bộ và Nhân dân Xứ ủy Nam Kỳ quyết định thành lập Thanh niên Tiền Phong nhằm mục đích tập hợp những thanh niên yêu nước đóng vai trò xung kích và là nòng cốt để vận động quần chúng đứng lên giành chính quyền.
Ngày 26/5/1945, Thanh niên Tiền Phong – một phong trào mang hình thức mặt trận, quy tụ mọi giai cấp, tầng lớp, mọi lứa tuổi, không phân biệt nam nữ, tôn giáo, dân tộc, xu hương chính trị… được thành lập và hoạt động công khai, với danh nghĩa là tổ chức thân Nhật do Giáo sư Lê Văn Huấn – Giám đốc sở Thể thao Thanh niên Nam Kỳ đỡ đầu[1]. Nòng cốt của Thanh niên Tiền Phong là lực lượng thanh niên, sinh viên, học sinh, trí thức yêu nước tiến bộ. Thanh niên Tiền Phong được chính quyền Nhật cho phép hoạt động có định hướng chính trị nhiều hơn tổ chức Hướng đạo, có cờ riêng (cờ vàng sao đỏ), được treo băng rôn ngang đường có nội dung “giải phóng dân tộc” và hô hào công khai “Cải tổ lại xã hội, cải thiện đời sống của nhân dân”.
Việc chọn cờ hiệu cho Thanh niên Tiền Phong theo đồng chí Huỳnh Văn Tiểng như sau: “Chúng tôi bàn với nhau phải có cờ riêng, nếu không Nhật sẽ bắt treo cờ Nhật hay cờ của chính quyền bù nhìn. Đến lúc ấy nếu ta từ chối thì Nhật sẽ gây khó khăn cho ta. Nhất định phải có cờ riêng, trước làm một sự đã rồi với Nhật. Để thuận tiện khi thay đổi, chúng tôi lấy hình thức cờ Việt Minh nhưng thay đổi màu, nền vàng sao đỏ làm cờ cho Thanh niên Tiền Phong. Sau này đến lúc khởi nghĩa cướp chính quyền ta sẽ đổi ngược lại thành cờ Việt Minh”[2].
Thanh niên Tiền Phong có Hội đồng Quản trị và các Ban phụ trách do 3 đồng chí: Phạm Ngọc Thạch, Bí thư; Chủ tịch Hội đồng quản trị, Nguyễn Văn Thư; đồng chí Huỳnh Văn Tiểng làm nòng cốt. Ngoài ra còn có rất nhiều tri thức, nhân dân yêu nước tiêu biểu như: Dược sĩ Trần Kim Quan, Kha Vạng Cân, Hoàng Văn Đôn, Nguyễn Văn Tư, Huỳnh Đình Hai, Nguyễn Văn Giỏi… Các Ban gồm: Ban Tuyên truyền; Ban Hoạt động xã hội; Ban Phát thanh; Ban Huấn luyện quân sự; Ban Văn nghệ và Báo Tiến là cơ quan ngôn luận của Thanh niên Tiền Phong.
Ngay sau khi thành lập, thông qua các hoạt động như: Huấn luyện, truyền bá chữ Quốc ngữ, sinh hoạt ca hát, học cứu thương, tổ chức cứu tế nạn đói… Thanh niên Tiền phong nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình từ phía đông đảo quần chúng nhân dân, phát triển một cách nhanh chóng về lực lượng, trở thành một phong trào quần chúng rộng lớn do Đảng lãnh đạo. Chỉ trong vòng 1 tháng sau khi thành lập, Thành phố đã đạt đến 200.000 ngàn đoàn viên Thanh niên Tiền phong trong tổ số 1.200.000 người trên doàn Nam Bộ. Hầu như mọi khu phố, mọi cơ quan, ban ngành ở Sài Gòn cũng đều có trụ sở, đoàn viên Thanh niên Tiền phong.
Ngày 1/7/1945, Thanh niên Tiền Phong tổ chức Đại hội lần thứ nhất ở Sài Gòn. Ngày 5/7/1945 làm lễ tuyên thệ tại vườn Ông Thượng (Công viên văn hóa TPHCM ngày nay), có 30.000 đoàn viên tham dự. Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch đọc diễn văn kêu gọi tuổi trẻ rèn luyện để sẵn sàng cứu nước. Trên các đường phố, khu dân cư ở Sài Gòn luôn tràn ngập những thanh niên với trang phục quần sooc xanh, áo trắng ngắn tay, nón bàng rộng, ca lô xanh, huy hiệu mũi tên thẳng đứng; trang bị dao găm, tầm vông, vạt nhọn, có người còn có thêm cuộn dây thừng; họ chào nhau bằng khẩu lệnh “Thanh niên, tiến”, hát vang bài ca Tiếng gọi thanh niên, Lên đàng… một không khí sôi động bừng khí thế lan tỏa khắp các phố phường Sài Gòn.
Cuối tháng 7 đầu tháng 8/1945, phong trào Thanh niên Tiền Phong ở Sài Gòn nói riêng và Nam Bộ nói chung phát triển hết sức mạnh mẽ, cả Sài Gòn như được sống trong bầu không khí cách mạng vô cùng sôi nổi. Lúc này, dù đã nhận biết được tính chất thật sự của Thanh niên Tiền phong, nhưng Nhật và chính quyền tay sai không thể ngăn cản, uy lực của Thanh niên Tiền Phong đã áp đảo chính quyền và mọi thế lực tay sai của Nhật ở Sài Gòn và Nam Bộ.
Ngày 16/8/1945, Thanh niên Tiền phong dõng dạc tuyên bố mình là thành viên của Mặt trận Việt Minh. Đặc biệt, tại lễ tuyên thệ lần thứ 2 của Thanh niên Tiền Phong tổ chức tại vườn Ông Thượng vào ngày 19/8/1945 diễn ra rất hào hùng: “Từ 9 giờ sáng, 50.000 đoàn viên Thanh niên Tiền Phong và khán giả đã có mặt tại nơi quy định. Họ chiếm một khoảng đất mênh mông, kẻ đứng ngoài trời, người đứng dưới những tán lá, không còn một chỗ trống. Họ xếp thành hàng, cụm lại thành từng ô, khác nào những đơn vị quân đội trong tư thế sẵn sàng nhận vũ khí để chiến đấu. Họ nhịp chân tại chỗ: Một! Hai! Một… Họ hô khẩu hiệu: “Thanh niên! Tiến!”[3]. Tại đây Thanh niên Tiền Phong đã đọc ba lời thề: “Trung thành với Tổ quốc – Trung thành với Nhân dân – Giữ gìn phẩm chất cao đẹp”. Kết thúc mít-tinh, đoàn người chuyển thành các cuộc tuần hành vũ trang trên đường phố và được đồng bào nhiệt liệt hoan nghênh.
Ngày 20/8/1945, Mặt trận Việt Minh công khai ra mắt đồng bào bằng cuộc diễn thuyết tại rạp Nguyễn Văn Hảo. Sau những buổi làm việc bàn bạc của Thanh niên Tiền Phong với Xứ ủy và các tổ chức quần chúng ở Sài Gòn, ngày 22/8/1945, Ban Trung ương Thanh niên Tiền Phong ra quyết nghị: “Từ nay trở đi, Thanh niên Tiền Phong đứng trong Mặt trận Việt Nam Độc lập Đồng minh, tức Việt Minh và sẽ tranh đấu trong Mặt trận Việt Minh với ba khẩu hiệu: Việt Nam hoàn toàn độc lập, Chính phủ Cộng hòa Dân chủ, Chánh quyền về tay Việt Minh”[4]. Đến đây các tổ chức chính trị của quần chúng ở Sài Gòn – Chợ Lớn đã hợp về một mối do Đảng lãnh đạo. Toàn xứ và toàn dân tộc đã đoàn kết trong Mặt trận Việt Minh để nổi dậy giành độc lập dân tộc.
Ngày 23/8/1945, trong lúc tỉnh Tân An làm thí điểm khởi nghĩa thắng lợi, thì ở Sài Gòn, các đảng phái, đoàn thể quần chúng cùng Thanh niên Tiền phong tổ chức cuộc biểu tình với hàng vạn người tham gia với khẩu hiệu: “Thống nhất lực lượng”; “Ủng hộ Việt Minh”. Ngày 24/8/1945, khắp Thành phố Sài Gòn nổi lên những khẩu hiệu: “Bảo Đại thoái vị”, “Chính quyền về tay Việt Minh”, “Việt Nam độc lập muôn năm”. Lá cờ búa liềm bay phấp phới trên mái nhà bác sĩ Phạm Ngọc Thạch tại số 272 Chasseloun Laubat. Quần chúng nhân dân tụ họp đông đảo ngắm nhìn lá cờ của Đảng, sẵn sàng chờ lệnh khởi nghĩa. Đúng 18 giờ, Ủy ban Khởi nghĩa Nam Bộ chính thức phát lệnh khởi nghĩa. Đến 20 giờ, các đội quân khởi nghĩa rầm rộ triển khai lực lượng với quyết tâm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Các đội Thanh niên Tiền Phong xung kích gồm hàng nghìn đoàn viên ưu tú được vũ trang tiến hành đánh chiếm các cơ sở quan trọng trong thành phố như Kho bạc, Nhà máy đèn, Nhà máy nước, Sở Bưu điện, Dinh thống đốc Nam Kỳ, các đầu cầu vào Sài Gòn, các bót cảnh sát, Sở chữa cháy, Sở công an… Trong lúc các đội xung kích chiếm lĩnh các công sở thì thanh niên, công nhân có vũ trang trên các xe cam nhông cắm cờ chạy khắp thành phố để cổ động nhân dân tham gia khởi nghĩa. Một giờ sáng 25/8/1945 toàn bộ chính quyền về tay cách mạng.
Sau ngày 25/8/1945, hàng chục đồng bào từ ngoại thành và các vùng lân cận kéo vào mang theo súng, gươm, giáo, mác, cưa, búa… tạo nên khí thế mạnh mẽ, cả Sài Gòn như rung chuyển, cả thành phố ngập trong biển cờ, biểu ngữ. Cuộc khởi nghĩa ở Sài Gòn nhanh chóng chín muồi, lực lượng cách mạng nhanh chóng biến các cuộc biểu tình, biểu dương lực lượng của quần chúng cách mạng thành lực lượng tổng khởi nghĩa, giành chính quyền về tay nhân dân. Sài Gòn – Nam Bộ kịp thời cùng với nhân dân cả nước làm nên mùa Thu lịch sử. Tổ chức Thanh niên Tiền Phong đã thổi bùng lên ngọn lửa quật cường của khởi nghĩa Nam Kỳ năm 1940, khiến cơn bão táp cách mạng cả nước cuồn cuộn dâng trào.
Có thể nói, Thanh niên Tiền Phong là tổ chức độc đáo của các mạng giải phóng dân tộc ở Nam Bộ. Nói đến Cách mạng tháng Tám không thể không kể đến vai trò và hoạt động đóng góp của Thanh niên Tiền Phong. Đây là một sản phẩm sáng tạo của Xứ ủy Nam Kỳ, đem về sức mạnh vô cùng to lớn trong những ngày cùng cả nước trải qua mùa Thu lịch sử – 1945. Thanh niên Tiền phong là lực lượng ra đời và tồn tại trong một khoảng thời gian rất ngắn. Tuy nhiên: “Thanh niên Tiền phong đã hoàn thành trách nhiệm lớn nhất ở Sài Gòn: Cùng toàn quốc tổng khởi nghĩa, thành lập chính quyền cách mạng, chuẩn bị cho cuộc kháng chiến”[5]. Và dù không phải là tổ chức của riêng Thanh niên, nhưng tinh thần cách mạng sôi nổi và không khí hào hùng của Thanh niên Tiền Phong luôn là niềm tự hào của nhân dân, tuổi trẻ Thành phố./.
Nguồn: Cờ đỏ TP. Hồ Chí Minh